Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Trường kinh doanh Melior Việt Nam đột ngột biến mất một cách bí ẩn


Không chỉ học sinh, giáo viên cũng... bàng hoàng!
Sáng 12/11, khoảng 150 học viên đang theo học tại Trường kinh doanh Melior Việt Nam (97 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP HCM) bất ngờ khi trường đóng cửa, không được vào học.
Theo M.B, học viên ngành marketing, ngày 10/11, trường vẫn hoạt động bình thường và học viên vẫn đóng học phí cho khóa mới. Sáng 12/11 khi đến trường thì bảng hiệu đã không còn. Phụ huynh và học viên đã cố gắng liên lạc với những người có trách nhiệm của trường nhưng không được. Có mặt tại trường, ông Donovan, giáo viên tiếng Anh của Melior, cũng hết sức bất ngờ trước sự việc này. Ông cho biết các giáo viên khác cũng rất sửng sốt. Trong ngày 10/11, giáo viên vẫn soạn đề thi học kỳ cho các học viên và không hề nghe bất kỳ thông báo nào từ lãnh đạo trường.
Theo một nhân viên phòng marketing Trường Melior, ngày 10/11 các nhân viên bất ngờ nhận được thư điện tử thông báo chấm dứt hợp đồng từ Tổng giám đốc Melior Việt Nam.
Bảng thông báo về tình trạng của trường Melior Việt Nam được dán trước cửa cơ sở đào tạo của trường
Công ty Hà Liêm, đơn vị cho Melior thuê tòa nhà làm trụ sở, ngày 11/11 họ nhận được thông báo bằng thư điện tử của Công ty TNHH Melior (đơn vị chủ quản của Trường Melior) về việc ngưng hoạt động và chấm dứt thuê tòa nhà trước thời hạn. Công ty này cũng không thể liên lạc được với phía Melior nên đã gửi văn bản đến UBND Q.Phú Nhuận, Công an, Sở GD&ĐT TP HCM, Sở LĐ-TB-XH TP HCM… nhờ can thiệp. Công ty cũng đóng cửa tòa nhà để tránh những tổn thất có thể xảy ra.
Trước sự việc này, học viên của trường đã gửi đơn cho các cơ quan báo chí, công an khẳng định chưa nhận được bảng điểm gốc của trường để chứng minh cho quá trình học tập của mình. Theo hợp đồng đã ký, mỗi học viên phải đóng 10.500 USD (chưa tính tiền học tiếng Anh 4.500 USD). Khi bị Bộ GD&ĐT xử phạt, trường thay đổi hợp đồng, rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn thu học phí như cũ. Vì đã lỡ học, học viên đồng ý tiếp tục đóng tiền để theo đuổi cho hết khóa học. Không ngờ, đến bây giờ trường lại đóng cửa nên tất cả đều rất hoang mang.
Phụ huynh và học sinh lo lắng trước thông báo Trường Melior còn nợ tiền nhà
Website của Melior qua địa chỉ www.mbs.edu.vn cũng không thể truy cập. Bác Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết không liên lạc được với người đại diện của công ty này khi sự việc xảy ra.
Bác Nguyễn Thành Hiệp cho biết: “Trong buổi chiều 12/11, Sở đã có tờ trình với UBND TP HCM về phương án giải quyết vụ việc này. Trước mắt cần cấm xuất cảnh đối với lãnh đạo Melior, phong tỏa tài khoản ngân hàng, niêm phong trường, gửi văn bản qua Lãnh sự quán Singapore. Sở cũng đề nghị triệu tập người đại diện của Công ty Melior lên làm việc, trả lại học phí hoặc có phương án hợp lý để giải quyết quyền lợi cho học viên”.
Theo bác Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, Sở được UBND TP HCM giao giải quyết đề nghị của Bộ GD&ĐT rút giấy phép hoạt động của Công ty Melior từ ngày 21/10. Trong lúc chờ các sở ban ngành khác có ý kiến thì xảy ra sự việc này.
Trong khi Bộ có quyết định yêu cầu Melior chấm dứt mọi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì trường vẫn tổ chức giảng dạy, thu học phí của học viên như bình thường.
Hiện nay phụ huynh và học viên của Melior đều rất hoang mang vì không biết bằng cấp thế nào, có được nhận lại học phí hay không…?
Theo đăng ký tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM, Công ty TNHH Melior Việt Nam có giám đốc và đại diện pháp luật là ông Cheng Sim Kok. Ngày cấp giấy phép đăng ký kinh doanh là 20.7.2009 với chức năng chính là giáo dục nghề nghiệp.
Ngày 24 5, Bộ GD&ĐT phạt Công ty TNHH Melior Việt Nam 67,5 triệu đồng do tuyển sinh lớp đào tạo các ngành quản trị kinh doanh và quản trị du lịch - khách sạn bậc CĐ và ĐH trái phép. Ngày 21/10, Bộ GD&ĐT tiếp tục phạt đơn vị này 10 triệu đồng vì tái phạm lỗi trước đó. Ngoài ra, Bộ còn đề nghị UBND TP HCM rút giấy hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo của Melior.
Melior International College là một trường tư không được nhiều người biết đến ở Singapore. Melior không có cơ sở vật chất riêng mà chỉ là dạng thuê một số phòng ở tầng trệt và tầng 2 tòa nhà số 108 phố Robinson trong khu trung tâm tài chính náo nhiệt.
Trên website của Hội đồng giáo dục tư thục Singapore (CPE), Melior được cấp chứng nhận chất lượng EduTrust tạm thời, có hiệu lực 1 năm (20/9/2012 -19/9/2013), cho phép trường tuyển sinh nước ngoài. Nếu sau 2 năm liên tục mà trường không cải thiện về cơ sở vật chất cũng như chất lượng đào tạo để nâng cấp lên EduTrust toàn phần thì sẽ không được tiếp tục tuyển sinh quốc tế nữa. Website CPE cũng liệt kê 27 chương trình mà Melior đang đào tạo, trong đó có 12 chương trình cử nhân hợp tác với ĐH Central Queensland University (Úc). Tuy nhiên, cả 12 chương trình này hiện không còn tuyển sinh. 15 chương trình còn lại đào tạo chứng chỉ nghề do chính Melior cấp. Theo quy định của Singapore, các trường tư không có chức năng cấp bằng bậc cử nhân, trừ khi liên kết với các đại học uy tín của nước ngoài.


Học sinh tra Google trả bài cho thầy cô

Theo thăm dò với 2.000 giáo viên Mỹ, đa phần đều bày tỏ sự lo ngại về việc học sinh của mình thường xuyên tra cứu trên Google.


"Bây giờ học sinh đã mặc định là lên mạng để tìm thông tin và nhiều khi các em tìm kiếm cả những điều đơn giản nhất", Lee Rainie, Trưởng nhóm Nghiên cứu dự án "Internet và cuộc sống Mỹ" nói. Rainie cho biết, điều này chứng tỏ học sinh tin tưởng vào các thông tin mà các em tìm kiếm được trong khi những kết quả tìm kiếm đó không phải lúc nào cũng chuẩn xác.
Dù 77% giáo viên được hỏi cho biết họ tin công nghệ mang đến lợi ích toàn diện là cho phép người ta tiếp cận được nhiều nguồn thông tin hơn, số đông cũng thừa nhận việc tìm kiếm trên mạng có thể trở nên quá tải, gây loãng và làm khó học sinh trong việc tìm những thông tin chuẩn xác và hữu ích.
Một giáo viên nói: "Học sinh không biết cách lọc tin xấu và đã quen với việc nhanh chóng tìm được điều mình muốn trên mạng nên khi không tìm được ngay lập tức thông tin muốn tìm, các em thường bỏ cuộc".
Barbara Theirl, chuyên gia tại Trung tâm Truyền thông của trường cấp 2 Boeckman ở thành phố Farrmington (Minnesota) cho biết, các giáo viên vẫn thường trao đổi với nhau về việc nâng cao trình độ tối thiểu về kỹ năng kỹ thuật số của học sinh. "Có một số giáo viên còn cấm học sinh dùng Google mà hướng đến dùng sách điện tử hay tìm trong kho dữ liệu", Theirl cho biết.
Một số bài tập của lớp yêu cầu làm thuyết trình phải có nguồn tin cậy, và đã có nhiều vụ thuyết trình trở thành “thảm họa” khi học sinh quá dựa dẫm vào công cụ tìm kiếm trên mạng. "Việc hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm và lọc thông tin để tìm ra được những điều chính xác và hữu ích là cực kỳ quan trọng, bất kể học sinh tìm kiếm thông tin đó để làm gì", Theirl nói.

Những Trường Đại học có nguy cơ đóng cửa


Nhiều trường ĐH ngoài công lập đang đối mặt với nguy cơ phải ngừng hoạt động do tuyển sinh èo uột.
Nhiều ngày qua, trang web của Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) đã không còn truy cập được, trong khi trước đó nhà trường liên tục cập nhật thông tin về tuyển sinh năm 2012. Đến chiều 6-11, chúng tôi truy cập vào website http://www.pctu.edu.vn chỉ thấy hiện lên những thông tin báo lỗi “xin vui lòng liên hệ với chủ sở hữu trang web: webmaster@pctu.edu.vn”.
Trả lại hồ sơ cho thí sinh
Ngày 5-11, nguồn tin từ lãnh đạo Trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết “đến nay nhà trường đã trả hết toàn bộ hồ sơ cho các thí sinh nhập học vào trường năm 2012. Do có quá ít sinh viên nên trường quyết định thôi, không tuyển nữa”. Đến trước thời điểm trả hồ sơ chỉ có vài chục sinh viên đến nhập học, trong khi năm nay nhà trường tuyển sinh tám ngành bậc ĐH chính quy với 500 chỉ tiêu và bốn ngành bậc CĐ 300 chỉ tiêu. Sau đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 (từ ngày 20-8 đến 20-9), khoảng 60 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Dù có nhiều biện pháp thu hút thí sinh nhưng Trường ĐH Phan Châu Trinh vẫn “ế ẩm” trong tuyển sinh 2012
Theo kế hoạch trước đó, nhà trường tiếp tục xét tuyển bổ sung đến ngày 30-11, và đưa ra phương án gom các ngành lại, chỉ đào tạo bốn ngành: kế toán, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung. Đồng thời công bố chương trình học bổng
Phan Châu Trinh với 100 suất học bổng trị giá 80% học phí, 120 suất trị giá 50% học phí và 150 suất trị giá 30% học phí xét trao cho tân sinh viên. Bộ phận tuyển sinh của trường kỳ vọng với những chính sách học bổng của trường sẽ thu hút được sinh viên. Nhưng đến thời điểm này cho thấy ngay cả biện pháp trên cũng không hấp dẫn được thí sinh.
Chiều 6-11, ông Hoàng Trung Hưng - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Phan Châu Trinh - khẳng định không có chuyện trường ngừng tuyển sinh nhưng thừa nhận việc trả hồ sơ cho thí sinh. “Chúng tôi đang rất khó khăn và từng bước giải quyết. Nhà trường chỉ trả lại hồ sơ của thí sinh nộp vào các ngành khối A vì không đủ sĩ số sinh viên để mở lớp, nhưng vẫn giữ lại khoảng 20 sinh viên ngành ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung...” - ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, ông Nguyên Ngọc - chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường - mới đây đã tổ chức cuộc họp tất cả cán bộ, giảng viên khẳng định nếu tuyển được 1-2 sinh viên cũng dạy.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Bộ GD-ĐT cho hay bộ chưa nhận được báo cáo cụ thể nào từ Trường ĐH Phan Châu Trinh về những định hướng thay đổi của nhà trường. Trong trường hợp trường có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ... trường sẽ phải báo cáo cả Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Quảng Nam để có ý kiến chỉ đạo cụ thể.
Chưa biết xoay xở ra sao
Trước đó, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng công bố kết thúc tuyển sinh năm 2012 với 29 tân sinh viên nhập học. Trong đó ngành kinh doanh quốc tế có số sinh viên nhập học đông nhất là 16, ngành quản trị kinh doanh 6 sinh viên... trong khi năm nay trường thông báo tuyển sinh tám ngành với 500 chỉ tiêu. Trước kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường công bố dành 500 suất học bổng toàn phần (3.000 USD/sinh viên/năm) cho tất cả sinh viên năm 1 nhưng vẫn không hấp dẫn được thí sinh. Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù ít sinh viên trường vẫn tổ chức giảng dạy bình thường.
Tại Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) cũng buồn không kém, chỉ tiêu tuyển sinh của chín ngành ĐH và sáu ngành CĐ là 1.000 nhưng chỉ có 75 hồ sơ đăng ký dự thi nguyện vọng 1 và một thí sinh trúng tuyển. Tính đến nay trường chỉ đón nhận vài trăm sinh viên khóa mới đến nhập học. “Chưa năm nào trường chúng tôi lại gặp khó khăn trong tuyển sinh như năm nay. Thật sự nhà trường chưa biết phải xoay xở ra sao để tổ chức giảng dạy” - một cán bộ phụ trách đào tạo nhà trường lo lắng.
Bên cạnh đó, hiện còn không ít trường ĐH tư thục khác cũng đang vật vã trong khâu tuyển sinh như Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ)... Tất cả những trường này sau hai, ba đợt xét tuyển bổ sung cũng chỉ có vài chục đến vài trăm sinh viên nhập học.
Không thay đổi cơ cấu ngành nghề, nhiều trường sẽ gặp khó
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một nguyên nhân quan trọng là do các trường này lâu nay quá tập trung vào ngành quản lý - kinh tế, mà nay số lượng thí sinh dự thi vào ngành này sụt giảm nên chịu ảnh hưởng nặng nề. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay không chỉ trường ngoài công lập, mà cả trường công lập có uy tín như Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng năm nay cũng gặp khó khăn, khi đây là năm đầu tiên gọi trúng tuyển NV1 với điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái mà không đủ chỉ tiêu, chỉ đạt khoảng 75%.
“Để thỏa mãn quy luật cung cầu lao động, các trường cần có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp. Một ngành năm nay tuyển sinh tốt không có nghĩa những năm sau ngành ấy cũng tiếp tục tuyển sinh tốt. Nếu các trường không tạo dựng được uy tín, xây dựng được thương hiệu và không có chiến lược thay đổi về cơ cấu ngành nghề và chương trình đào tạo, thì sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì thí sinh ngày càng ý thức về lựa chọn ngành nghề” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Học sinh Đông Nam Á thi thố tại Robotics 2012

Hôm nay (27/10), học sinh các cấp tiểu học và THCS của 5 nước Đông Nam Á đã tham gia cuộc thi Robotics quốc tế dành cho trẻ em năm 2012 tại Hà Nội. Đây là năm đầu tiên Việt Nam được đăng cai cuộc thi Robotics với quy mô tầm cỡ quốc tế.

Tham dự cuộc thi gồm gần 1000 học sinh và giáo viên, chia làm 46 đội đến từ 5 nước Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Phiippines, Singapore.

Robotics 2012 do liên danh DTT (nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin-viễn thông khép kín) và Eduspec đồng tổ chức. Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Deep Blue” (Khám phá biển sâu) với hai chủ đề nhỏ là “Oceanus” cho các đội từ 7 đến 9 tuổi và “Triton” cho các đội từ 9 đến 13 tuổi.

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Bộ giáo dục cũng chạy theo thành tích

Cho rằng, bệnh thành tích rất nặng nề, làm sai lệch, méo mó cái đích thực của giáo dục, PGS Văn Như Cương khẳng định, phải chống được căn bệnh này thì mới mong đổi mới giáo dục toàn diện.
 
- Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" và cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng. Ông suy nghĩ như thế nào về quyết định này?
- Tôi rất quan tâm đến thông báo của hội nghị Trung ương 6, không chỉ vì vấn đề nhân sự mà còn vì đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Tôi nhận thấy Trung ương đã thảo luận, đánh giá về giáo dục, những bất cập và chỗ chưa thành công, đồng thời phân tích tại sao cần phải đổi mới, đổi mới những gì.
Tôi tán thành việc chưa vội quyết định các vấn đề trong đề án đổi mới giáo dục đã trình, bởi muốn thay đổi toàn diện phải mạnh dạn nhưng cần thận trọng. Việc đổi mới giáo dục cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vì giáo dục không phải việc của riêng ai.
Chúng ta thấy năm nào cũng thế, cứ đến mùa khai giảng là lại rộ lên vấn đề loạn thu nhưng không làm thế nào thay đổi được. Nguyên nhân đơn giản vì không ai vào cuộc một cách quyết liệt. Quy định là các khoản thu không được ép buộc mà phải do phụ huynh tự nguyện. Để có được điều này, trường in sẵn ra giấy rồi phụ huynh ký vào, như vậy là tự nguyện một cách bắt buộc. Nói như vậy để thấy rằng, làm việc gì, từ nhỏ đến lớn cũng cần thực hiện một cách đồng bộ.
Thầy Văn Như Cương khẳng định, giáo dục phải hướng đến mục tiêu học để làm tốt hơn công việc của mình chứ không phải học để thi, để thăng chức, tăng lương. Ảnh: Hoàng Thùy.

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục dân tộc

Kính gửi: - Các sở giáo dục và đào tạo;
                                                  - Các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ.
Căn cứ Chỉ thị số 2737/CT-BGDĐT ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012-2013, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục dân tộc năm học 2012-2013 như sau:
A. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Năm học 2012-2013, ngành giáo dục và đào tạo nói chung, lĩnh vực giáo dục dân tộc nói riêng tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
            Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với miền xuôi; bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững góp phần ổn định chính trị vùng dân tộc, giữ vững an ninh, chủ quyền vùng biên giới, biển đảo; ưu tiên đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các cơ sở giáo dục vùng miền núi, dân tộc thiểu số; tổ chức và quản lí tốt việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
          Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh và cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh bán trú ở vùng dân tộc, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng người học thuộc các dân tộc rất ít người.  
          Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc.

Điểm lại những đáp ĐH, CĐ 2012 gây tranh cãi của Bộ Giáo dục

Ngay sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án các môn thi ĐH năm 2012, đã có nhiều độc giả quan tâm nhận định đáp án môn Toán, tiếng Anh, Lịch sử đều gây ra tranh cãi.

Môn Toán Đại học: Đáp án của Bộ GD&ĐT ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án khối A, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 8b môn Toán bị thiếu, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh. Cụ thể, câu 8b của đề Toán nên bổ sung thêm các đáp án vì nếu theo đề bài ra thì vecto chỉ phương v(2;3;2) có thể đi qua A, M hay N, tức là có ít nhất 3 phương trình chính tắc nhận v là vecto chỉ phương và có thể đi qua A, M hay N đều đúng. Nghĩa là cả 3 đáp số khác nhau đều đúng. Nếu đề thi đổi thành "Viết phương trình chính tắc hoặc tham số của đường thẳng đi qua A, nhận vecto AM (hoặc AN) làm vecto chỉ phương" thì mới có một đáp án duy nhất như hướng dẫn của Bộ.

Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu rõ: “Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách giải khác so với đáp án nhưng vẫn đúng thì cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm”. Do đó, dù thí sinh làm theo cách nào thì vẫn được điểm tối đa cho phần làm đúng. Căn cứ vào các giải trình ở trên, Bộ GD&ĐT khẳng định đáp án, thang điểm đã công bố là hoàn toàn chính xác và không phải điều chỉnh.


Thí sinh dự thi tuyển sinh cao đẳng, đại học (Nguồn: internet)


Môn Toán Cao đẳng: Thí sinh mất điểm oan uổng

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án đề thi tuyển sinh Cao đẳng môn Toán, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 6.a.b cần phải điều chỉnh để tránh thiệt thòi cho thí sinh.

Nếu đúng như đáp án mà Bộ GD&ĐT đã công bố thì phải sửa đề lại như sau: điểm B', C' cùng nằm trên đường thẳng có phương trình x-3y+2=0, lúc đó cho phép hai điểm B', C' có thể trùng nhau. Còn nếu đề vẫn giữ nguyên, nghĩa là cho phương trình đường B'C' là x-3y+2=0 thì đáp án đúng chỉ có một điểm C' (-4/5, 2/5), phải bỏ đáp số C'(-2, 0). Vì như thế điểm B' trùng với C' và khi cho phương trình đường thẳng của B'C', thì ai cũng hiểu hai điểm B', C' phải khác nhau, mới xác định một đường thẳng duy nhất. Khi B', C' trùng nhau thì ta có vô số đường thẳng đi qua một điểm B' (trùng với C').

Câu này, theo đáp án của Bộ, thí sinh được 0,25 điểm.

PGS. Văn Như Cương cũng nhấn mạnh rằng: "Nếu như vì sự không rõ ràng của đề thi mà gây cho học sinh bị mất nửa diểm thì thật là oan uổng, thiệt thòi cho các em. Sự sai sót, thiếu chặt chẽ trong khâu ra đề, rồi đáp án không được chỉnh sửa kịp thì chắc chắn là sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lí của học sinh".

Môn Sinh học chưa chặt chẽ: Sĩ tử càng học giỏi càng lúng túng

Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra đáp án đề thi tuyển sinh Đại học môn Sinh năm 2012, rất nhiều thí sinh cũng như những giáo viên có tâm huyết với bộ môn này đã bày tỏ băn khoăn với câu hỏi 28 đề thi mã 731.

Câu 28 đề 731 như sau: Ruồi giấm có bộ NST 2n = 8. Trên mỗi cặp NST thường xét hai cặp gen dị hợp, trên cặp NST giới tính xét 1 gen có 2 alen nằm ở vùng không tương đồng của NST giới tính X. Nếu không xảy ra đột biến thì khi các ruồi đực có kiểu gen khác nhau về các gen đang xét giảm phân có thể tạo ra tối đa bao nhiêu loại tinh trùng?

A. 192 B. 24 C. 16 . D.128

Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được ý kiến của thầy Võ Quốc Hiển, Th.s Khoa học Sinh học, Trường Đại học Phương Đông; đồng thời đã tham khảo một số ý kiến của các thầy như T.S Vũ Đức Lưu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Th.S Trịnh Việt Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội; Th.S Lê Hồng Điệp, trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa, em Nguyễn Diệu Linh và một số thí sinh học lớp chuyên Sinh - THPT chuyên ĐH KHTN, vừa thi tuyển vào đại học năm 2012.

Theo giải thích của Ths. Võ Quốc Hiển câu hỏi này chưa thật sự chặt chẽ. Với câu hỏi như vậy có thể tìm ra hai đáp án khác nhau: Đáp án một là 192 loại tinh trùng theo lí thuyết và đáp án hai là 24 loại tinh trùng trên thực tế.

Môn tiếng Anh: Đáp án của Bộ GD&ĐT thiếu khoa học

Ngày 12/7, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng bài "Đáp án thi ĐH tiếng Anh khối D của Bộ Giáo dục có nhầm lẫn?", trong đó nêu rõ quan điểm của hai giáo viên dạy tiếng Anh cho rằng cách chọn câu hỏi đề thi ĐH của Bộ Giáo dục năm nay có phần chưa chuẩn đối với câu 23 thuộc mã đề 248. 
Trong phần chọn đáp án đúng của đề thi đại học tiếng Anh khối D năm nay có câu:

Marry: I will never go mountaineering again.
Linda: Me ...
A. So B. Too C. Neither D. Either.

Đây là câu hội thoại giao tiếp, yêu cầu thí sinh chọn đáp án thích hợp điền vào chỗ trống. Câu này thuộc câu 23 của mã đề 248 - đề thi tuyển sinh chính thức đại học khối D năm 2012 của Bộ GD&ĐT. Theo đáp án công bố của Bộ thì đáp án chính xác ở đây là C: Neither.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án, có nhiều ý kiến cho rằng đáp án của Bộ là chưa chính xác, câu hỏi bị lỗi, thiếu khoa học.

Phản ánh với Báo Giáo dục Việt Nam, một độc giả cho rằng: “Đây là câu giao tiếp, gây nhiều tranh cãi đối với cả người bản địa. Trong văn phong trang trọng, mọi người dùng Me neither để tỏ sự đồng ý với ý kiến phủ định của người nói, còn trong văn phong thông dụng, mọi người dùng me either. Giữa các vùng miền, các thế hệ khác nhau ở Anh và Mĩ, cũng có sự tranh luận về việc sử dụng me either hay me neither. Đã thuộc về giao tiếp thì không thể phụ thuộc vào ngữ pháp mà còn là văn hóa, hoàn cảnh, dân tộc, vùng miền”.

Như vậy, đáp án D “Neither” và đáp án C “Either” (cùng nghĩa “Tôi cũng không”) cũng có thể chấp nhận được, phù hợp ngữ pháp và văn cảnh trong câu hỏi này.

Đáp án môn lịch sử vừa thừa vừa thiếu gây bất lợi cho thí sinh

Ngay sau khi đá án môn lịch sử của Bộ GD&ĐT được công bố, TS Phạm Thanh Toán (Giảng viên Sư phạm Hà Nội) nhận định: 3/4 câu trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sai sót. Câu1: Phân chia điểm giữa các ý vô lý. Câu 3: Cơ sở đề ra quyết định là sau hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng. Câu 4a: Đáp án còn thiếu nhiều. Câu 4b: Đáp án thừa gây bất lợi cho thí sinh.

Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An) nhận định: “Nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, chúng tôi có thể khẳng định: Rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm”.

Sau đó, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh đáp án câu 4.a với nội dung: “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Ngoài ra, phần Từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh đáp án và thang điểm.

Giải thích có sự điều chỉnh đáp án, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Do trong quá trình chấm thi, các thầy cô giáo thấy đáp án và thang điểm chưa hợp lý nên đã đề nghị điều chỉnh”. Như vậy, với cách điều chỉnh này, thí sinh sẽ có lợi hơn so với đáp án Bộ GD&ĐT công bố trước đây.

Thế nhưng, sự điều chỉnh trong đáp án này vẫn không vừa lòng dư luận. Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình - Giảng viên khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Hà Nội: “Bộ GD&ĐT sửa đáp án thi Đại học môn Lịch sử theo kiểu chắp vá?”

Từ xưa đến nay, câu chuyện “vênh” trong cách trả lời các câu hỏi trong các kỳ thi đều “như cơm bữa”, ngay cả ở kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia như kỳ thi Đại học. Đó là những đáp án không thực sự phù hợp và gây tranh cãi nhiều. Sau mỗi kỳ thi, những giáo viên, thí sinh mong muốn Bộ GD&ĐT kịp thời sửa đổi những sai sót trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học: "Thà muộn còn hơn không bao giờ".