Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục dân tộc

Kính gửi: - Các sở giáo dục và đào tạo;
                                                  - Các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ.
Căn cứ Chỉ thị số 2737/CT-BGDĐT ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012-2013, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục dân tộc năm học 2012-2013 như sau:
A. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Năm học 2012-2013, ngành giáo dục và đào tạo nói chung, lĩnh vực giáo dục dân tộc nói riêng tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
            Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với miền xuôi; bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững góp phần ổn định chính trị vùng dân tộc, giữ vững an ninh, chủ quyền vùng biên giới, biển đảo; ưu tiên đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các cơ sở giáo dục vùng miền núi, dân tộc thiểu số; tổ chức và quản lí tốt việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
          Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh và cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh bán trú ở vùng dân tộc, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng người học thuộc các dân tộc rất ít người.  
          Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc.

Điểm lại những đáp ĐH, CĐ 2012 gây tranh cãi của Bộ Giáo dục

Ngay sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án các môn thi ĐH năm 2012, đã có nhiều độc giả quan tâm nhận định đáp án môn Toán, tiếng Anh, Lịch sử đều gây ra tranh cãi.

Môn Toán Đại học: Đáp án của Bộ GD&ĐT ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án khối A, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 8b môn Toán bị thiếu, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh. Cụ thể, câu 8b của đề Toán nên bổ sung thêm các đáp án vì nếu theo đề bài ra thì vecto chỉ phương v(2;3;2) có thể đi qua A, M hay N, tức là có ít nhất 3 phương trình chính tắc nhận v là vecto chỉ phương và có thể đi qua A, M hay N đều đúng. Nghĩa là cả 3 đáp số khác nhau đều đúng. Nếu đề thi đổi thành "Viết phương trình chính tắc hoặc tham số của đường thẳng đi qua A, nhận vecto AM (hoặc AN) làm vecto chỉ phương" thì mới có một đáp án duy nhất như hướng dẫn của Bộ.

Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu rõ: “Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách giải khác so với đáp án nhưng vẫn đúng thì cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm”. Do đó, dù thí sinh làm theo cách nào thì vẫn được điểm tối đa cho phần làm đúng. Căn cứ vào các giải trình ở trên, Bộ GD&ĐT khẳng định đáp án, thang điểm đã công bố là hoàn toàn chính xác và không phải điều chỉnh.


Thí sinh dự thi tuyển sinh cao đẳng, đại học (Nguồn: internet)


Môn Toán Cao đẳng: Thí sinh mất điểm oan uổng

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án đề thi tuyển sinh Cao đẳng môn Toán, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 6.a.b cần phải điều chỉnh để tránh thiệt thòi cho thí sinh.

Nếu đúng như đáp án mà Bộ GD&ĐT đã công bố thì phải sửa đề lại như sau: điểm B', C' cùng nằm trên đường thẳng có phương trình x-3y+2=0, lúc đó cho phép hai điểm B', C' có thể trùng nhau. Còn nếu đề vẫn giữ nguyên, nghĩa là cho phương trình đường B'C' là x-3y+2=0 thì đáp án đúng chỉ có một điểm C' (-4/5, 2/5), phải bỏ đáp số C'(-2, 0). Vì như thế điểm B' trùng với C' và khi cho phương trình đường thẳng của B'C', thì ai cũng hiểu hai điểm B', C' phải khác nhau, mới xác định một đường thẳng duy nhất. Khi B', C' trùng nhau thì ta có vô số đường thẳng đi qua một điểm B' (trùng với C').

Câu này, theo đáp án của Bộ, thí sinh được 0,25 điểm.

PGS. Văn Như Cương cũng nhấn mạnh rằng: "Nếu như vì sự không rõ ràng của đề thi mà gây cho học sinh bị mất nửa diểm thì thật là oan uổng, thiệt thòi cho các em. Sự sai sót, thiếu chặt chẽ trong khâu ra đề, rồi đáp án không được chỉnh sửa kịp thì chắc chắn là sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lí của học sinh".

Môn Sinh học chưa chặt chẽ: Sĩ tử càng học giỏi càng lúng túng

Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra đáp án đề thi tuyển sinh Đại học môn Sinh năm 2012, rất nhiều thí sinh cũng như những giáo viên có tâm huyết với bộ môn này đã bày tỏ băn khoăn với câu hỏi 28 đề thi mã 731.

Câu 28 đề 731 như sau: Ruồi giấm có bộ NST 2n = 8. Trên mỗi cặp NST thường xét hai cặp gen dị hợp, trên cặp NST giới tính xét 1 gen có 2 alen nằm ở vùng không tương đồng của NST giới tính X. Nếu không xảy ra đột biến thì khi các ruồi đực có kiểu gen khác nhau về các gen đang xét giảm phân có thể tạo ra tối đa bao nhiêu loại tinh trùng?

A. 192 B. 24 C. 16 . D.128

Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được ý kiến của thầy Võ Quốc Hiển, Th.s Khoa học Sinh học, Trường Đại học Phương Đông; đồng thời đã tham khảo một số ý kiến của các thầy như T.S Vũ Đức Lưu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Th.S Trịnh Việt Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội; Th.S Lê Hồng Điệp, trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa, em Nguyễn Diệu Linh và một số thí sinh học lớp chuyên Sinh - THPT chuyên ĐH KHTN, vừa thi tuyển vào đại học năm 2012.

Theo giải thích của Ths. Võ Quốc Hiển câu hỏi này chưa thật sự chặt chẽ. Với câu hỏi như vậy có thể tìm ra hai đáp án khác nhau: Đáp án một là 192 loại tinh trùng theo lí thuyết và đáp án hai là 24 loại tinh trùng trên thực tế.

Môn tiếng Anh: Đáp án của Bộ GD&ĐT thiếu khoa học

Ngày 12/7, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng bài "Đáp án thi ĐH tiếng Anh khối D của Bộ Giáo dục có nhầm lẫn?", trong đó nêu rõ quan điểm của hai giáo viên dạy tiếng Anh cho rằng cách chọn câu hỏi đề thi ĐH của Bộ Giáo dục năm nay có phần chưa chuẩn đối với câu 23 thuộc mã đề 248. 
Trong phần chọn đáp án đúng của đề thi đại học tiếng Anh khối D năm nay có câu:

Marry: I will never go mountaineering again.
Linda: Me ...
A. So B. Too C. Neither D. Either.

Đây là câu hội thoại giao tiếp, yêu cầu thí sinh chọn đáp án thích hợp điền vào chỗ trống. Câu này thuộc câu 23 của mã đề 248 - đề thi tuyển sinh chính thức đại học khối D năm 2012 của Bộ GD&ĐT. Theo đáp án công bố của Bộ thì đáp án chính xác ở đây là C: Neither.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án, có nhiều ý kiến cho rằng đáp án của Bộ là chưa chính xác, câu hỏi bị lỗi, thiếu khoa học.

Phản ánh với Báo Giáo dục Việt Nam, một độc giả cho rằng: “Đây là câu giao tiếp, gây nhiều tranh cãi đối với cả người bản địa. Trong văn phong trang trọng, mọi người dùng Me neither để tỏ sự đồng ý với ý kiến phủ định của người nói, còn trong văn phong thông dụng, mọi người dùng me either. Giữa các vùng miền, các thế hệ khác nhau ở Anh và Mĩ, cũng có sự tranh luận về việc sử dụng me either hay me neither. Đã thuộc về giao tiếp thì không thể phụ thuộc vào ngữ pháp mà còn là văn hóa, hoàn cảnh, dân tộc, vùng miền”.

Như vậy, đáp án D “Neither” và đáp án C “Either” (cùng nghĩa “Tôi cũng không”) cũng có thể chấp nhận được, phù hợp ngữ pháp và văn cảnh trong câu hỏi này.

Đáp án môn lịch sử vừa thừa vừa thiếu gây bất lợi cho thí sinh

Ngay sau khi đá án môn lịch sử của Bộ GD&ĐT được công bố, TS Phạm Thanh Toán (Giảng viên Sư phạm Hà Nội) nhận định: 3/4 câu trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sai sót. Câu1: Phân chia điểm giữa các ý vô lý. Câu 3: Cơ sở đề ra quyết định là sau hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng. Câu 4a: Đáp án còn thiếu nhiều. Câu 4b: Đáp án thừa gây bất lợi cho thí sinh.

Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An) nhận định: “Nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, chúng tôi có thể khẳng định: Rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm”.

Sau đó, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh đáp án câu 4.a với nội dung: “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Ngoài ra, phần Từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh đáp án và thang điểm.

Giải thích có sự điều chỉnh đáp án, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Do trong quá trình chấm thi, các thầy cô giáo thấy đáp án và thang điểm chưa hợp lý nên đã đề nghị điều chỉnh”. Như vậy, với cách điều chỉnh này, thí sinh sẽ có lợi hơn so với đáp án Bộ GD&ĐT công bố trước đây.

Thế nhưng, sự điều chỉnh trong đáp án này vẫn không vừa lòng dư luận. Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình - Giảng viên khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Hà Nội: “Bộ GD&ĐT sửa đáp án thi Đại học môn Lịch sử theo kiểu chắp vá?”

Từ xưa đến nay, câu chuyện “vênh” trong cách trả lời các câu hỏi trong các kỳ thi đều “như cơm bữa”, ngay cả ở kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia như kỳ thi Đại học. Đó là những đáp án không thực sự phù hợp và gây tranh cãi nhiều. Sau mỗi kỳ thi, những giáo viên, thí sinh mong muốn Bộ GD&ĐT kịp thời sửa đổi những sai sót trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học: "Thà muộn còn hơn không bao giờ".

Cậu học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ, thi đỗ 2 trường đại học

Mồ côi cha mẹ, ba chị em Trần Văn Đức đùm bọc nuôi nhau ăn học. Vượt qua khó khăn và bệnh tật khi chỉ còn một quả thận, cậu bé mồ côi ở xóm 2 (xã Long Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) cố gắng học hành và đã đạt điểm cao cả 2 trường ĐH.
Kỳ thi tuyển sinh năm nay, cậu học trò mồ côi Trần Văn Đức (SN 1994) đăng ký thi 2 trường đại học và em đều đạt điểm cao. Thi vào Trường ĐH Y Huế, Đức đạt 26 điểm (đã cộng điểm ưu tiên). Còn thi vào Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thì Đức được 20,5 điểm. Càng khâm phục ý chí của cậu bé nghèo mồ côi, tôi càng cảm phục những tình cảm mà 2 người chị gái đã dành cho Đức khi cha mẹ lần lượt qua đời.

Trần Văn Đức - cậu học trò mồ côi đạt điểm cao 2 trường ĐH trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012.


Di chứng của chiến tranh khiến sức khỏe của bố Đức là ông Trần Văn Tam không được tốt. Mẹ Đức - bà Nguyễn Thị Chung cũng là một cựu binh. Hết chiến tranh, hai người về nông trường chè Hạnh Lâm (Thanh Chương) làm việc và nên vợ nên chồng. Hai ông bà lần lượt sinh các con Trần Thị Thủy (SN 1982), Trần Thị Luận (SN 1984) và Trần Văn Đức (SN 1994). Thế nhưng di chứng chiến tranh đã quật ngã bố Đức. Năm 1996, ông Tam ngã bệnh phải nằm viện dài kỳ, khi đó Đức mới được 2 tuổi. Mẹ Đức khăn gói đưa đứa con út đi khắp các viện để chăm sóc chồng. Sau 3 năm chăm chồng tại bệnh viện, bệnh tình của chồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì bà Chung tái phát bệnh tim và qua đời.
Trên bước đường đi của Đức, luôn có 2 người chị gái thay bố mẹ đồng hành.

Nén nỗi đau, Nguyễn Thị Luận tạm nghỉ học ra Hà Nội thay mẹ chăm sóc cha, còn bé Đức được gửi về quê cho chị Thủy nuôi nấng. Bệnh nặng khiến ông Tam trút hơi thở cuối cùng khi cậu bé Đức tròn 6 tuổi, chị Thủy cũng mới 16 tuổi.

Nỗi đau mất cha, mồ côi mẹ, không nơi nương tựa, bấu víu; nỗi sợ hãi trước tương lai mờ mịt và nguy cơ thất học, 3 chị em chỉ biết ôm nhau khóc. “Trước khi từ giã cõi đời, điều bố em trăn trở nhất là không thể lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Bố mất rồi, là chị cả, em phải thực hiện di nguyện của bố, thay bố mẹ làm chỗ dựa cho các em, không được phép buông xuôi, em tự hứa với lòng mình thế…”, nước mắt lưng tròng, Thủy cho biết.

Nén nỗi đau, ba chị em Đức bảo ban nhau thực hiện ước mơ của bố, khi đó Thủy đang học lớp 12, Luận học lớp 10, còn Đức mới vào lớp 1. Một buổi đến trường, một buổi ba chị em phân công nhau làm việc nhà, việc đồng áng để có thể tự xoay xở cho cuộc sống của mình. Ngoài những giờ lên lớp, Thủy và Luận tất tả trên đồng, ngoài bãi, cắt cỏ nuôi bò, nuôi lợn, gà. Công việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc “chuyển nhượng” cho bé Đức. Có những khi, nhớ mẹ, bé Đức khóc rấm rứt, Luận và Thủy chỉ biết ôm chặt em vào lòng, 3 chị em cứ thế mà khóc. Vất vả nhưng cả ba chị em không bỏ bê chuyện học hành. Có những khi xong công việc cũng đã đã hơn 10h đêm, 3 chị em mới có thời gian ngồi vào bàn học. Nhờ sự cố gắng vượt khó vươn lên, cả 3 chị em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi trường, học sinh tiên tiến.

Thủy đậu vào Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, Luận vào lớp 11, Đức lên lớp 2. Ngày nhận giấy báo nhập học, Thủy chỉ biết khóc. Nếu đi học, ai sẽ chăm lo cho 2 đứa em, lại còn tiền ăn học nữa. Còn nếu bỏ cuộc, khác nào đang phụ sự mong mỏi của bố mẹ nơi chín suối. Ý nghĩ bỏ học cũng nhen nhóm nhưng được sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, người thân, Thủy quyết định xuống Vinh, làm đủ mọi việc để có tiền trang trải cuộc sống, dè sẻn từng đồng gửi về cho 2 em.

Chị Thủy đi học xa nhà, Luận và Đức vừa lo việc đồng, việc vườn, vừa bảo ban nhau học tập. Năm 2002, Luận thi đậu vào khoa Sư phạm Địa lý - Trường ĐH Vinh. Không thể gửi Đức ở quê, 3 chị em quyết định khoán ruộng vườn cho người khác làm, đóng cửa nhà, dắt nhau xuống Vinh trọ học. Để tiện cho việc học của cả 3 chị em, Thủy xin cho Đức vào học tại Trường tiểu học Hưng Lộc. Ở phố, học phí, sinh hoạt phí, rồi tiền nhà trọ, tiền ăn… trăm thứ phải lo. Thủy và Luận nai lưng làm việc để trang trải cuộc sống hết sức chật vật của 3 chị em.

Vất vả là thế nhưng dường như ông trời còn muốn thử thách nghị lực của chị em Thủy. Lên 8 tuổi, Đức được chẩn đoán ứ nước thận phải, chức năng thận suy giảm, phải được phẫu thuật gấp. Thủy phải xin bảo lưu việc học, khăn gói đưa em ra Hà Nội phẫu thuật. Quay quắt ở thủ đô với những đồng tiền gom góp và sự giúp đỡ của anh em nội tộc, cuối cùng Thủy cũng giành được Đức từ tay thần chết. Sau cuộc đại phẫu, chỉ còn 1 quả thận hoạt động, sức khỏe Đức rất kém, người gầy quắt, cần phải được ăn uống theo một chế độ đặc biệt. Thủy và Luận lại lao vào làm thêm kiếm tiền mua thức ăn bồi bổ cho em, vừa chắt bóp đế trả nợ. Đáp lại tình yêu thương vô bờ bến của 2 người chị gái, vượt qua nỗi đau bệnh tật, liên tục những năm tiểu học, Đức luôn đạt thành tích cao trong học tập.

Năm 2003, Thủy ra trường và may mắn được nhận vào dạy tại Trường THCS Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Thủy lại đưa Đức về quê. Đức thi đỗ vào trường chuyên của huyện. Liên tiếp trong 4 năm học, Đức luôn ở tốp dẫn đầu của trường về thành tích học tập, đạt danh hiệu học sinh giỏi huyện. Thành tích học tập đó được tiếp tục nối dài khi Đức được chọn vào lớp chuyên tự nhiên 10T1 của Trường THPT Anh Sơn 1.

Đạt điểm cao khi thi vào Trường ĐH Y Huế và Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Đức cho biết: “Đây là món quà thay lời cảm ơn của em đến hai người chị gái, đã thay mẹ, thay cha nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ em. Để nuôi em khôn lớn, các chị đã phải vất vả cực khổ, thậm chỉ phải chịu nhiều thua thiệt với bạn bè. Dù khổ cực tới đâu chưa bao giờ 2 chị để em phải thiếu thứ gì…”.

Sau những năm tháng khổ cực, đến hôm nay, 3 chị em có thể tự hào thắp nén hương thơm lên bàn thờ bố mẹ để báo rằng chúng con đã hoàn thành được tâm nguyện của bố mẹ lúc lâm chung. Hiện, chị Trần Thị Thủy đã lập gia đình và công tác ổn định tại Trường THCS Phúc Sơn, còn chị Trần Thị Luận đang công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 1.

Trước ngưỡng cửa đại học, Đức cũng có nhiều băn khoăn: “Em nghe nói chi phí để học trường Y khá tốn kém. Sức khỏe của em vốn không tốt nên không thể đi làm thêm để tự trang trải cho cuộc sống của mình. Giờ hai chị đã có gia đình riêng, nếu tiếp tục phải lo cho em ăn học trong thời gian dài như thế sợ các chị cũng vất vả, cực khổ hơn…”.

Sức khỏe kém, lại sớm phải chịu nhiều biến cố trong cuộc sống khiến mái tóc của Đức đầy những sợi bạc, đôi mắt lúc nào cũng buồn rười rượi. Trong đôi mắt ấy, tôi vẫn thấy một sự quyết tâm lớn của cậu học trò này. Em sẽ viết tiếp ước mơ của bố mẹ và các chị, tôi tin chắc là thế.

Trúng tuyển NV1 có được rút kết quả thi xét tuyển vào trường khác?

Trúng tuyển NV1 có được rút kết quả thi xét tuyển sang trường khác? Không đủ điểm vào ngành đăng ký có được chuyển sang ngành khác không?
Năm nay em thi Đại học khối A được 7 điểm, khối B được 7,5 điểm, Cao Đẳng, khối A được 12 điểm, và đã trúng tuyển NV1 của trường hệ Cao Đẳng, xin hỏi là em có được quyền rút kết quả thi Cao Đẳng để xét tuyển vào trường khác, có cùng khối thi được không? (tronghieu199099@gmail.com)

Nếu em đã trúng tuyển NV1 rồi thì không được xét tuyển sang trường khác, đó là quy định của Bộ GD-ĐT.

Em đăng ký trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Em đăng ký thi ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô nhưng không đủ điểm. Tuy nhiên, ở trường ĐH CN TP.HCM lấy nguyện vọng 2 nhưng ngành khác bằng điểm của em. Vậy em có được chuyển ngành không? (tranvantinh93.tt@gmail.com)

Em được chuyển sang ngành khác của trường cùng khối thi bằng điểm của em. Em liên hệ với phòng đào tạo của nhà trường để được chuyển.

Tin nóng: ĐH Y Dược TP.HCM dự kiến hạ điểm chuẩn

Thông tin mới nhất từ Phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP. HCM cho hay, sau khi có những khúc mắc của phụ huynh về chỉ tiêu vào ngành BS Đa khoa, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã làm việc với trường dự kiến điểm chuẩn ngành BS Đa khoa từ 26,5 hạ xuống còn 25,5 điểm.

Như vậy, với điểm chuẩn như trên sẽ tuyển đủ chỉ tiêu số thí sinh như thông báo ban đầu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngay sau khi có thông tin phản ánh, lãnh đạo Bộ đã tìm hiểu thông tin sự việc và làm việc với Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, dù thế nào nhà trường phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và tuyển đủ 600 chỉ tiêu (gồm chỉ tiêu thi tuyển sinh ĐH 2012, chỉ tiêu tuyển thẳng, dự bị dân tộc, cử tuyển) như đã thông báo ban đầu. Để tuyển đủ 600 chỉ tiêu này Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ phải tính toán hạ điểm chuẩn vào trường sao cho phù hợp, không để cho thí sinh đạt điểm cao phải trượt.
TRA CỨU ĐIỂM THI ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG 2012
Phụ huynh bức xúc vì Trường thông báo cắt chỉ tiêu tuyển sinh ngành BS Đa khoa.
HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Sau khi Bộ có quyết định thì các địa phương sẽ thực hiện. Hiện tại các trường vẫn tiến hành đào tạo theo đúng chỉ tiêu đăng ký ban đầu.

Trước đó, nhiều phụ huynh đã “bao vây” Trường ĐH Y Dược TP. HCM để thắc mắc về chỉ tiêu bị rút đi, không như ban đầu thông báo. Điều đó khiến nhiều thí sinh đạt điểm cao 25,5 điểm trở lên vẫn trượt ngành BS Đa khoa.

Ông Lý Văn Xuân - Trưởng phòng đào tạo ĐH Y Dược TPHCM cho biết, sau khi nhận được văn bản chính thức của Bộ Giáo dục chỉ đạo, Hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định.

Trước đó, chiều ngày 13/8, hàng chục phụ huynh đã tụ tập ở cổng Trường ĐH Y dược TP.HCM để yêu cầu nhà trường giải thích về thông tin tuyển sinh chưa rõ ràng nên nhiều thí sinh đạt 26 điểm vẫn trượt ngành BS Đa khoa.