Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Học sinh Đông Nam Á thi thố tại Robotics 2012

Hôm nay (27/10), học sinh các cấp tiểu học và THCS của 5 nước Đông Nam Á đã tham gia cuộc thi Robotics quốc tế dành cho trẻ em năm 2012 tại Hà Nội. Đây là năm đầu tiên Việt Nam được đăng cai cuộc thi Robotics với quy mô tầm cỡ quốc tế.

Tham dự cuộc thi gồm gần 1000 học sinh và giáo viên, chia làm 46 đội đến từ 5 nước Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Phiippines, Singapore.

Robotics 2012 do liên danh DTT (nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin-viễn thông khép kín) và Eduspec đồng tổ chức. Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Deep Blue” (Khám phá biển sâu) với hai chủ đề nhỏ là “Oceanus” cho các đội từ 7 đến 9 tuổi và “Triton” cho các đội từ 9 đến 13 tuổi.

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Bộ giáo dục cũng chạy theo thành tích

Cho rằng, bệnh thành tích rất nặng nề, làm sai lệch, méo mó cái đích thực của giáo dục, PGS Văn Như Cương khẳng định, phải chống được căn bệnh này thì mới mong đổi mới giáo dục toàn diện.
 
- Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" và cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng. Ông suy nghĩ như thế nào về quyết định này?
- Tôi rất quan tâm đến thông báo của hội nghị Trung ương 6, không chỉ vì vấn đề nhân sự mà còn vì đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Tôi nhận thấy Trung ương đã thảo luận, đánh giá về giáo dục, những bất cập và chỗ chưa thành công, đồng thời phân tích tại sao cần phải đổi mới, đổi mới những gì.
Tôi tán thành việc chưa vội quyết định các vấn đề trong đề án đổi mới giáo dục đã trình, bởi muốn thay đổi toàn diện phải mạnh dạn nhưng cần thận trọng. Việc đổi mới giáo dục cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vì giáo dục không phải việc của riêng ai.
Chúng ta thấy năm nào cũng thế, cứ đến mùa khai giảng là lại rộ lên vấn đề loạn thu nhưng không làm thế nào thay đổi được. Nguyên nhân đơn giản vì không ai vào cuộc một cách quyết liệt. Quy định là các khoản thu không được ép buộc mà phải do phụ huynh tự nguyện. Để có được điều này, trường in sẵn ra giấy rồi phụ huynh ký vào, như vậy là tự nguyện một cách bắt buộc. Nói như vậy để thấy rằng, làm việc gì, từ nhỏ đến lớn cũng cần thực hiện một cách đồng bộ.
Thầy Văn Như Cương khẳng định, giáo dục phải hướng đến mục tiêu học để làm tốt hơn công việc của mình chứ không phải học để thi, để thăng chức, tăng lương. Ảnh: Hoàng Thùy.