Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Trường kinh doanh Melior Việt Nam đột ngột biến mất một cách bí ẩn


Không chỉ học sinh, giáo viên cũng... bàng hoàng!
Sáng 12/11, khoảng 150 học viên đang theo học tại Trường kinh doanh Melior Việt Nam (97 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP HCM) bất ngờ khi trường đóng cửa, không được vào học.
Theo M.B, học viên ngành marketing, ngày 10/11, trường vẫn hoạt động bình thường và học viên vẫn đóng học phí cho khóa mới. Sáng 12/11 khi đến trường thì bảng hiệu đã không còn. Phụ huynh và học viên đã cố gắng liên lạc với những người có trách nhiệm của trường nhưng không được. Có mặt tại trường, ông Donovan, giáo viên tiếng Anh của Melior, cũng hết sức bất ngờ trước sự việc này. Ông cho biết các giáo viên khác cũng rất sửng sốt. Trong ngày 10/11, giáo viên vẫn soạn đề thi học kỳ cho các học viên và không hề nghe bất kỳ thông báo nào từ lãnh đạo trường.
Theo một nhân viên phòng marketing Trường Melior, ngày 10/11 các nhân viên bất ngờ nhận được thư điện tử thông báo chấm dứt hợp đồng từ Tổng giám đốc Melior Việt Nam.
Bảng thông báo về tình trạng của trường Melior Việt Nam được dán trước cửa cơ sở đào tạo của trường
Công ty Hà Liêm, đơn vị cho Melior thuê tòa nhà làm trụ sở, ngày 11/11 họ nhận được thông báo bằng thư điện tử của Công ty TNHH Melior (đơn vị chủ quản của Trường Melior) về việc ngưng hoạt động và chấm dứt thuê tòa nhà trước thời hạn. Công ty này cũng không thể liên lạc được với phía Melior nên đã gửi văn bản đến UBND Q.Phú Nhuận, Công an, Sở GD&ĐT TP HCM, Sở LĐ-TB-XH TP HCM… nhờ can thiệp. Công ty cũng đóng cửa tòa nhà để tránh những tổn thất có thể xảy ra.
Trước sự việc này, học viên của trường đã gửi đơn cho các cơ quan báo chí, công an khẳng định chưa nhận được bảng điểm gốc của trường để chứng minh cho quá trình học tập của mình. Theo hợp đồng đã ký, mỗi học viên phải đóng 10.500 USD (chưa tính tiền học tiếng Anh 4.500 USD). Khi bị Bộ GD&ĐT xử phạt, trường thay đổi hợp đồng, rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn thu học phí như cũ. Vì đã lỡ học, học viên đồng ý tiếp tục đóng tiền để theo đuổi cho hết khóa học. Không ngờ, đến bây giờ trường lại đóng cửa nên tất cả đều rất hoang mang.
Phụ huynh và học sinh lo lắng trước thông báo Trường Melior còn nợ tiền nhà
Website của Melior qua địa chỉ www.mbs.edu.vn cũng không thể truy cập. Bác Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết không liên lạc được với người đại diện của công ty này khi sự việc xảy ra.
Bác Nguyễn Thành Hiệp cho biết: “Trong buổi chiều 12/11, Sở đã có tờ trình với UBND TP HCM về phương án giải quyết vụ việc này. Trước mắt cần cấm xuất cảnh đối với lãnh đạo Melior, phong tỏa tài khoản ngân hàng, niêm phong trường, gửi văn bản qua Lãnh sự quán Singapore. Sở cũng đề nghị triệu tập người đại diện của Công ty Melior lên làm việc, trả lại học phí hoặc có phương án hợp lý để giải quyết quyền lợi cho học viên”.
Theo bác Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, Sở được UBND TP HCM giao giải quyết đề nghị của Bộ GD&ĐT rút giấy phép hoạt động của Công ty Melior từ ngày 21/10. Trong lúc chờ các sở ban ngành khác có ý kiến thì xảy ra sự việc này.
Trong khi Bộ có quyết định yêu cầu Melior chấm dứt mọi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì trường vẫn tổ chức giảng dạy, thu học phí của học viên như bình thường.
Hiện nay phụ huynh và học viên của Melior đều rất hoang mang vì không biết bằng cấp thế nào, có được nhận lại học phí hay không…?
Theo đăng ký tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM, Công ty TNHH Melior Việt Nam có giám đốc và đại diện pháp luật là ông Cheng Sim Kok. Ngày cấp giấy phép đăng ký kinh doanh là 20.7.2009 với chức năng chính là giáo dục nghề nghiệp.
Ngày 24 5, Bộ GD&ĐT phạt Công ty TNHH Melior Việt Nam 67,5 triệu đồng do tuyển sinh lớp đào tạo các ngành quản trị kinh doanh và quản trị du lịch - khách sạn bậc CĐ và ĐH trái phép. Ngày 21/10, Bộ GD&ĐT tiếp tục phạt đơn vị này 10 triệu đồng vì tái phạm lỗi trước đó. Ngoài ra, Bộ còn đề nghị UBND TP HCM rút giấy hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo của Melior.
Melior International College là một trường tư không được nhiều người biết đến ở Singapore. Melior không có cơ sở vật chất riêng mà chỉ là dạng thuê một số phòng ở tầng trệt và tầng 2 tòa nhà số 108 phố Robinson trong khu trung tâm tài chính náo nhiệt.
Trên website của Hội đồng giáo dục tư thục Singapore (CPE), Melior được cấp chứng nhận chất lượng EduTrust tạm thời, có hiệu lực 1 năm (20/9/2012 -19/9/2013), cho phép trường tuyển sinh nước ngoài. Nếu sau 2 năm liên tục mà trường không cải thiện về cơ sở vật chất cũng như chất lượng đào tạo để nâng cấp lên EduTrust toàn phần thì sẽ không được tiếp tục tuyển sinh quốc tế nữa. Website CPE cũng liệt kê 27 chương trình mà Melior đang đào tạo, trong đó có 12 chương trình cử nhân hợp tác với ĐH Central Queensland University (Úc). Tuy nhiên, cả 12 chương trình này hiện không còn tuyển sinh. 15 chương trình còn lại đào tạo chứng chỉ nghề do chính Melior cấp. Theo quy định của Singapore, các trường tư không có chức năng cấp bằng bậc cử nhân, trừ khi liên kết với các đại học uy tín của nước ngoài.


Học sinh tra Google trả bài cho thầy cô

Theo thăm dò với 2.000 giáo viên Mỹ, đa phần đều bày tỏ sự lo ngại về việc học sinh của mình thường xuyên tra cứu trên Google.


"Bây giờ học sinh đã mặc định là lên mạng để tìm thông tin và nhiều khi các em tìm kiếm cả những điều đơn giản nhất", Lee Rainie, Trưởng nhóm Nghiên cứu dự án "Internet và cuộc sống Mỹ" nói. Rainie cho biết, điều này chứng tỏ học sinh tin tưởng vào các thông tin mà các em tìm kiếm được trong khi những kết quả tìm kiếm đó không phải lúc nào cũng chuẩn xác.
Dù 77% giáo viên được hỏi cho biết họ tin công nghệ mang đến lợi ích toàn diện là cho phép người ta tiếp cận được nhiều nguồn thông tin hơn, số đông cũng thừa nhận việc tìm kiếm trên mạng có thể trở nên quá tải, gây loãng và làm khó học sinh trong việc tìm những thông tin chuẩn xác và hữu ích.
Một giáo viên nói: "Học sinh không biết cách lọc tin xấu và đã quen với việc nhanh chóng tìm được điều mình muốn trên mạng nên khi không tìm được ngay lập tức thông tin muốn tìm, các em thường bỏ cuộc".
Barbara Theirl, chuyên gia tại Trung tâm Truyền thông của trường cấp 2 Boeckman ở thành phố Farrmington (Minnesota) cho biết, các giáo viên vẫn thường trao đổi với nhau về việc nâng cao trình độ tối thiểu về kỹ năng kỹ thuật số của học sinh. "Có một số giáo viên còn cấm học sinh dùng Google mà hướng đến dùng sách điện tử hay tìm trong kho dữ liệu", Theirl cho biết.
Một số bài tập của lớp yêu cầu làm thuyết trình phải có nguồn tin cậy, và đã có nhiều vụ thuyết trình trở thành “thảm họa” khi học sinh quá dựa dẫm vào công cụ tìm kiếm trên mạng. "Việc hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm và lọc thông tin để tìm ra được những điều chính xác và hữu ích là cực kỳ quan trọng, bất kể học sinh tìm kiếm thông tin đó để làm gì", Theirl nói.

Những Trường Đại học có nguy cơ đóng cửa


Nhiều trường ĐH ngoài công lập đang đối mặt với nguy cơ phải ngừng hoạt động do tuyển sinh èo uột.
Nhiều ngày qua, trang web của Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) đã không còn truy cập được, trong khi trước đó nhà trường liên tục cập nhật thông tin về tuyển sinh năm 2012. Đến chiều 6-11, chúng tôi truy cập vào website http://www.pctu.edu.vn chỉ thấy hiện lên những thông tin báo lỗi “xin vui lòng liên hệ với chủ sở hữu trang web: webmaster@pctu.edu.vn”.
Trả lại hồ sơ cho thí sinh
Ngày 5-11, nguồn tin từ lãnh đạo Trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết “đến nay nhà trường đã trả hết toàn bộ hồ sơ cho các thí sinh nhập học vào trường năm 2012. Do có quá ít sinh viên nên trường quyết định thôi, không tuyển nữa”. Đến trước thời điểm trả hồ sơ chỉ có vài chục sinh viên đến nhập học, trong khi năm nay nhà trường tuyển sinh tám ngành bậc ĐH chính quy với 500 chỉ tiêu và bốn ngành bậc CĐ 300 chỉ tiêu. Sau đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 (từ ngày 20-8 đến 20-9), khoảng 60 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Dù có nhiều biện pháp thu hút thí sinh nhưng Trường ĐH Phan Châu Trinh vẫn “ế ẩm” trong tuyển sinh 2012
Theo kế hoạch trước đó, nhà trường tiếp tục xét tuyển bổ sung đến ngày 30-11, và đưa ra phương án gom các ngành lại, chỉ đào tạo bốn ngành: kế toán, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung. Đồng thời công bố chương trình học bổng
Phan Châu Trinh với 100 suất học bổng trị giá 80% học phí, 120 suất trị giá 50% học phí và 150 suất trị giá 30% học phí xét trao cho tân sinh viên. Bộ phận tuyển sinh của trường kỳ vọng với những chính sách học bổng của trường sẽ thu hút được sinh viên. Nhưng đến thời điểm này cho thấy ngay cả biện pháp trên cũng không hấp dẫn được thí sinh.
Chiều 6-11, ông Hoàng Trung Hưng - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Phan Châu Trinh - khẳng định không có chuyện trường ngừng tuyển sinh nhưng thừa nhận việc trả hồ sơ cho thí sinh. “Chúng tôi đang rất khó khăn và từng bước giải quyết. Nhà trường chỉ trả lại hồ sơ của thí sinh nộp vào các ngành khối A vì không đủ sĩ số sinh viên để mở lớp, nhưng vẫn giữ lại khoảng 20 sinh viên ngành ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung...” - ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, ông Nguyên Ngọc - chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường - mới đây đã tổ chức cuộc họp tất cả cán bộ, giảng viên khẳng định nếu tuyển được 1-2 sinh viên cũng dạy.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Bộ GD-ĐT cho hay bộ chưa nhận được báo cáo cụ thể nào từ Trường ĐH Phan Châu Trinh về những định hướng thay đổi của nhà trường. Trong trường hợp trường có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ... trường sẽ phải báo cáo cả Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Quảng Nam để có ý kiến chỉ đạo cụ thể.
Chưa biết xoay xở ra sao
Trước đó, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng công bố kết thúc tuyển sinh năm 2012 với 29 tân sinh viên nhập học. Trong đó ngành kinh doanh quốc tế có số sinh viên nhập học đông nhất là 16, ngành quản trị kinh doanh 6 sinh viên... trong khi năm nay trường thông báo tuyển sinh tám ngành với 500 chỉ tiêu. Trước kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường công bố dành 500 suất học bổng toàn phần (3.000 USD/sinh viên/năm) cho tất cả sinh viên năm 1 nhưng vẫn không hấp dẫn được thí sinh. Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù ít sinh viên trường vẫn tổ chức giảng dạy bình thường.
Tại Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) cũng buồn không kém, chỉ tiêu tuyển sinh của chín ngành ĐH và sáu ngành CĐ là 1.000 nhưng chỉ có 75 hồ sơ đăng ký dự thi nguyện vọng 1 và một thí sinh trúng tuyển. Tính đến nay trường chỉ đón nhận vài trăm sinh viên khóa mới đến nhập học. “Chưa năm nào trường chúng tôi lại gặp khó khăn trong tuyển sinh như năm nay. Thật sự nhà trường chưa biết phải xoay xở ra sao để tổ chức giảng dạy” - một cán bộ phụ trách đào tạo nhà trường lo lắng.
Bên cạnh đó, hiện còn không ít trường ĐH tư thục khác cũng đang vật vã trong khâu tuyển sinh như Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ)... Tất cả những trường này sau hai, ba đợt xét tuyển bổ sung cũng chỉ có vài chục đến vài trăm sinh viên nhập học.
Không thay đổi cơ cấu ngành nghề, nhiều trường sẽ gặp khó
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một nguyên nhân quan trọng là do các trường này lâu nay quá tập trung vào ngành quản lý - kinh tế, mà nay số lượng thí sinh dự thi vào ngành này sụt giảm nên chịu ảnh hưởng nặng nề. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay không chỉ trường ngoài công lập, mà cả trường công lập có uy tín như Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng năm nay cũng gặp khó khăn, khi đây là năm đầu tiên gọi trúng tuyển NV1 với điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái mà không đủ chỉ tiêu, chỉ đạt khoảng 75%.
“Để thỏa mãn quy luật cung cầu lao động, các trường cần có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp. Một ngành năm nay tuyển sinh tốt không có nghĩa những năm sau ngành ấy cũng tiếp tục tuyển sinh tốt. Nếu các trường không tạo dựng được uy tín, xây dựng được thương hiệu và không có chiến lược thay đổi về cơ cấu ngành nghề và chương trình đào tạo, thì sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì thí sinh ngày càng ý thức về lựa chọn ngành nghề” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định